Ca lâm sàng: Niềng răng mặt trong bệnh nhân răng chen chúc bằng hệ thống mắc cài rãnh kép

Ca lâm sàng: Niềng răng mặt trong bệnh nhân răng chen chúc bằng hệ thống mắc cài rãnh kép

Chẩn đoán

Bệnh nhân nữ 26 tuổi đến khám vì lý do răng khấp khểnh. Bệnh nhân yêu cầu niềng răng mặt trong vì lý do thẩm mỹ, bệnh nhân làm công việc liên quan nhiều đến giao tiếp.

Ảnh chụp mặt trước điều trị cho thấy nét mặt nghiêng của bệnh nhân thuộc kiểu phẳng (Hình 1). Môi trên hơi vẩu và căng cơ cằm khi khép môi. Các răng nanh trên và dưới đều khểnh, môi trên có vẻ mỏng hơn môi dưới. Tương quan răng hàm Loại I hai bên, trong khi tương quan răng nanh là Loại II hai bên. Các răng cửa bên hàm trên cắn chéo. Cả hai cung răng đều có hình vuông. Mức độ bất tương xứng kích thước răng-hàm ở hàm trên và hàm dưới tương ứng là -8.4 và -7.5 mm. Mặc dù đường giữa cung răng trên và dưới trùng nhau, nhưng đường giữa răng lệch sang trái 2,5 mm so với đường giữa mặt. Phần bên trái cung răng chen chúc nhiều hơn bên phải. Độ cắn trùm và độ cắn chìa tương ứng là 3,5 và 2,5 mm (Hình 2).

Hình 1 Ảnh chụp ngoài mặt và trong miệng trước điều trị.

Hình 2 Mẫu hàm trước điều trị.

Phim toàn cảnh cho thấy tất cả các răng đều hiện diện trừ răng khôn trên. Cả hai răng khôn dưới đều mọc ngang ngầm (Hình 3).

Phân tích đo sọ cho thấy góc SNA là 81,6°, góc SNB 80,1°, và góc ANB là 1,5° nằm trong giới hạn bình thường của người Việt Nam. Góc FMA là 18,7° và góc hàm 108,5°. Cả hai góc này đều nhỏ so với giá trị trung bình của người Việt. Độ nghiêng của các răng cửa trên gần như bình thường. Các răng cửa dưới hơi nghiêng ra trước. Những giá trị này cho thấy bệnh nhân bị sai khớp cắn Loại I với góc mặt phẳng hàm dưới phẳng (Hình 4, Bảng 1).

Hình 3 Phim toàn cảnh trước điều trị.

Hình 4 Phim đo sọ mặt nghiêng trước điều trị.

Góc (°) Trước điều trị Sau điều trị
Xương

SNA

SNB

ANB

FMA

Góc hàm

OP/FH

Răng

U1-SN

L1-MP

 

81,6

80,1

1,5

18,7

108,5

11,0

 

105,6

100,6

 

82,3

80,5

1,8

18,5

108,9

10,6

 

100,0

95,0

Bảng 1 Phân tích đo sọ.

Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị bao gồm (1) làm đều răng, nhất là vùng răng nanh, (2) sửa cắn chéo răng cửa bên, (3) điều chỉnh đường giữa răng trùng với đường giữa mặt, và (4) cải thiện hình dạng và chức năng của môi trên và trương lực cơ cằm.

Phương án điều trị

Bởi vì bệnh nhân không muốn đeo bất kỳ mắc cài mặt ngoài nào, nên chúng tôi lựa chọn hệ thống mắc cài mặt trong rãnh kép.

Chúng tôi lựa chọn nhổ răng hàm nhỏ thứ hai ở cả hai hàm. Nếu chỉnh nha mặt ngoài, răng hàm nhỏ thứ nhất sẽ được chọn. Trong Niềng răng mặt trong, các răng cửa trên và dưới có thể bị nghiêng ra sau quá mức trong quá trình làm đều và đóng khoảng (Hình 5).

Hình 5 Phản lực làm nghiêng xa răng hàm, dẫn đến tăng cường neo chặn phía sau.

Quá trình điều trị

Bốn răng hàm nhỏ thứ hai và hai răng khôn ngầm được nhổ bỏ trước khi gắn mắc cài mặt trong. Trong giai đoạn đầu, dây cung SS 0.012″ được lắp vào rãnh ngang của mắc cài hàm dưới để làm phẳng đường cong Spee. Sau 2 tháng, dây cung SS 0.014″ được lắp vào rãnh dọc của mắc cài hàm trên. Sau đó, dây cung SS 0.016″ được lắp vào cung răng trên, và các răng hàm nhỏ thứ nhất hàm trên được kéo lùi bằng chun sợi sau giai đoạn làm đều (Hình 6). Dây cung SS 0.014″ được lắp vào rãnh ngang của mắc cài hàm dưới để tiếp tục làm đều.

Hình 6 Ảnh chụp trong miệng: giai đoạn ban đầu.

5 tháng sau, sau khi kéo lùi răng hàm nhỏ thứ nhất hàm trên, dây cung NiTi 0.012 inch được lắp vào rãnh ngang từ răng nanh phải tới răng hàm nhỏ thứ nhất bên trái để sửa cắn chéo răng cửa bên bên trái. Đồng thời, dây SS 0.016″ được lắp vào rãnh dọc, bỏ qua mắc cài răng cửa bên bên trái để tăng cườn neo chặn hàm trên. Các răng hàm nhỏ thứ nhất hàm dưới được di xa trên dây SS 0.014″ ở cả rãnh ngang và rãnh dọc bằng chun sợi sau giai đoạn làm đều. Hai dây cung giúp cho các răng hàm nhỏ thứ nhất hàm dưới chuyển động tịnh tiến (Hình 7). Sau khi các răng cửa đã được làm đều, dây cung 0.018 x 0.018″ được lắp vào rãnh dọc để duy trì sự sắp đều răng. Đồng thời, dây cung đóng khoảng 0.016 x 0.016″ được lắp vào rãnh ngang. Cả hai dây cung đều làm việc để xoay thân răng cửa về phía môi (Hình 8). Dây cung lý tưởng 0.018 x 0.018″ được lắp vào rãnh dọc của cả hai hàm trong 3 tháng (Hình 9).

Hình 7 Ảnh chụp trong miệng: làm đều các răng cửa trên.

Hình 8 Ảnh chụp trong miệng: đóng khoảng trống nhổ răng. Hai dây cung liên tục được lắp vào cả hai rãnh; dây cung đóng khoảng lắp vào rãnh ngang, dây cung còn lại giữ thẳng trục răng cửa và tránh chuyển động nghiêng.

Hình 9 Ảnh chụp trong miệng: giai đoạn hoàn thiện.

Tổng thời gian điều trị tích cực là 33 tháng. Sau khi tháo mắc cài, khí cụ duy trì cố định dây xoắn 0.0195″ (Dentsply, USA) được dán vào mặt trong răng từ răng hàm nhỏ bên trái sang bên phải ở hàm dưới (Hình 10). Hàm duy trì tháo lắp trong suốt được sử dụng ở hàm trên.

Hình 10 Ảnh chụp ngoài mặt và trong miệng sau điều trị.

Kết quả điều trị

Ảnh chụp ngoài mặt sau khi kết thúc điều trị cho thấy mặt nghiêng và mặt thẳng đều cải thiện nhờ làm đều các răng nanh khểnh và giải chen chúc răng trước. Môi trên và dưới lùi nhẹ, và hình dạng môi trên cải thiện. Đường giữa cung răng trùng với đường giữa mặt. Khớp cắn cuối cùng là Loại I răng nanh và răng hàm ở cả hai bên. Độ cắn trùm và cắn chìa tương ứng là 3,0 và 2,0 mm, răng có sự lồng múi tốt. Bệnh nhân tâm sự rằng bạn bè vẫn không biết là cô đang chỉnh nha (Hình 11).

 

Hình 11 Ảnh chụp ngoài mặt và trong miệng trong quá trình điều trị.

Phân tích đo sọ cho thấy các giá trị xương gần như không thay đổi. Góc U1SN và L1MP hơi giảm. Các thay đổi được xác nhận khi chồng phim sọ nghiêng trước và sau điều trị (Hình 12, Bảng 1).

Hình 12 Phim sọ nghiêng sau điều trị và chồng phim.

Phim toàn cảnh cho thấy các chân răng tương đối song song, các răng cửa trên tiêu chân nhẹ (Hình 13).

Hình 13 Phim toàn cảnh sau điều trị.

Sau 3 năm đeo khí cụ duy trì và 2 năm không duy trì, khớp cắn sâu và tương quan Loại II tái phát nhẹ ở bên phải. Tất cả các phục hồi kim loại của bệnh nhân đã được thay bằng sứ (Hình 14).

Hình 14 Ảnh chụp trong miệng sau khi kết thúc điều trị 4 năm.

Bàn luận

Việc sử dụng hệ thống mắc cài rãnh kép cho phép lắp hai dây cung cùng một lúc vào mắc cài. Hai dây cung sẽ giúp kiểm soát di chuyển răng theo ba chiều không gian, tạo ra mô men xoay chân răng về phía lưỡi và xoay thân răng về phía môi, do đó giúp nhóm răng trước chuyển động tịnh tiến, tránh bị quặp vào trong như các hệ thống mắc cài mặt trong khác.

Nha khoa Như Ngọc là đơn vị tiên phong tại Hà Nội ứng dụng công nghệ mắc cài rãnh kép vào Niềng răng mặt trong, và hiện cũng đang là đơn vị duy nhất tại Hà Nội có thể triển khai công nghệ mắc cài hiện đại này (công nghệ mắc cài CLB, Hàn Quốc), giúp răng di chuyển chính xác theo kế hoạch điều trị, nhờ vậy đã mang lại kết quả thẩm mỹ tối ưu cho rất nhiều bệnh nhân.

Share:

Trả lời